domain, domain name, premium domain name for sales

Tuesday, September 30, 2014

16 món ăn không thể bỏ qua khi đến Hạ Long

Đến với điểm du lịch Hạ Long bạn đừng quá say sưa ngắm biển, hãy dành thời gian khám phá rất nhiều món ngon và lạ từ vùng biển nơi đây.
Đã quen với Hạ Long, với Bãi Cháy và di sản thiên nhiên Thế giới, nhiều bạn chẳng muốn đi chơi Hạ Long vì xem ra chẳng có gì nữa ngoài biển. Bạn đã nghe đến những tên: cù kỳ, ngao, ngán, bề bề, sá sùng… chưa? Không chỉ độc đáo bởi tên gọi mà hương vị của chúng còn khiến bạn ngất ngây.


1.  Chả mực: Chả mực Hạ Long – Món ăn đậm đà hương vị biển, được rất nhiều thượng khách yêu thích bởi sự dai, dòn và thơm của mực.

Một gợi ý nho nhỏ để các chị em có thể dễ dàng tìm được địa điểm có bán món chả mực ngon đó là khu ăn uống bên cạnh phố Cây Tháp. Theo mình thì nơi đây có món chả mực ngon nhất Hạ Long, nếu có thời gian các chị em cũng thử ghé qua thưởng thức thử xem sao nhé!


2. Sá sùng
Sá sùng còn được gọi với cái tên là giun biển hay sâu biển, là một loại hải sản khá đắt đỏ chỉ có ở đảo Quan Lạn (Vân Đồn). Tuy nhiên “đắt xắt ra miếng”, các cụ ta nói chẳng hề sai chút nào, có tự mình thưởng thức món sá sùng tươi xào tỏi tươi, sá sùng xào chua ngọt, sá sùng chiên giòn… thì chắc chắn sẽ cảm thấy đáng đồng tiền bát gạo tới mức nào.

3. Sam Biển: Một đặc sản khác vô cùng hấp dẫn của biển Hạ Long, đó là sam – một loài giáp xác chân đốt. Từ sam biển người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn ngon và lạ khác nhau như: Tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến…


Địa điểm thưởng thức: Muốn thưởng thức sam ngon, du khách nên đến khu phố Giếng Đồn hoặc Cao Xanh.


4. Bánh cuốn chả mực
Bánh cuốn thịt với nấm, mộc nhĩ, thơm mùi ruốc và hành phi, đi kèm với đặc sản chả mực Hạ Long tạo nên mùi vị khó quên.

Địa điểm thưởng thức: Ở thành phố Hạ Long có dãy phố chuyên làm chả mực bánh cuốn ở cạnh rạp Bạch Đằng đã trở nên quen thuộc, nhiều người gọi là phố “Chả mực bánh cuốn”.
5. Ngao là món ăn đặc sản nơi đây. Ngao ở Hạ Long to hơn ngao Hà Nội nhiều lần. Còn ngán thì ăn một lần bạn sẽ nhớ mãi, nhất là ngán hấp, ngán nướng. Rượu ngán còn rất bổ nữa.

Địa điểm thưởng thức: Các nhà hàng, quán ăn tại Hạ Long đều có món ngán. Muốn mua ngán hay rượu ngán, du khách có thể đến đường và chợ Cái Răm, Vườn Đào sẽ có rất nhiều.
6. Con Cù kỳ
Cái tên này khiến bạn lạ lắm phải không? Bề ngoài giống cua nhưng càng của nó to gấp 3 lần cua và giá thành cũng thế! Ăn cù kỳ xong bạn sẽ thấy ghẹ, cua ở nhà hàng chưa là gì!

Xem thêm : Địa điểm quán ăn hải sản ngon ở Hạ Long

7. Con Bề bề
Gần giống con tôm nhưng bề bề nhiều chân hơn. Trước kia ít người chú ý đến loại bề bề này nhưng nhờ khách du lịch mà nó đã trở thành món ăn được ưa chuộng với giá đắt đỏ.
8. Con Hà

Loại này bé nhỏ nằm sâu trong lòng đất nên để đào được người dân chài phải mất bao công sức, vì thế giá của nó cũng khiến bạn phải cân nhắc! Một bát canh riêu hà thơm nghi ngút khói sẽ níu chân bạn ở lại với thành phố biển miền đông bắc này.Hà biển ở Hạ Long vô cùng nổi tiếng và có quanh năm, nhưng ăn hợp nhất vẫn là vào những ngày hè như thế này. Hà ngon nhất phải kể đến hà ở vùng cửa sông Bạch Đằng. Đặc biệt, giống hà cồn sống ở sông Chanh vừa to, vừa béo nấu canh chua hay tẩm bột rán thì ngon tuyệt cú mèo. Bởi vậy nên đừng bao giờ bỏ qua món hà khi đến với biển Hạ Long các chị em nhé.
9. Bánh “gật gù”:

Cách làm bánh gật gù về hình thức giống như cách làm bánh cuốn. Khi ăn nhúng miếng bánh vào chén nước chấm đặc biệt cùng với một miếng khâu nhục (thịt kho tàu) được tẩm ướp kỹ càng. Địa điểm thưởng thức: Bánh gật gù nổi tiếng nhất là ở Tiên Yên. Tuy nhiên trên khắp các vùng của Quảng Ninh đều có thể tìm được món bánh gật gù vừa ngon vừa độc đáo này.



10. Nem chua, nem chạo thị trấn Quảng Yên

Nguyên liệu làm nem đều là những thứ bình dân. Bì lợn được bào nhỏ, thính làm bằng đỗ hay gạo rang và lạc rang giã dập, tất cả được trộn đều với nhau thật tơi. Chỉ đơn giản thế, nhưng qua bí quyết chế biến, trộn đều và pha nước chấm, hàng quà quê mùa trở nên lạ miệng, hấp dẫn.
11. Cà sáy Tiên Yên
Cà sáy là vịt lai ngan, hương vị có cả hai và qua bàn tay người Tiên Yên chế biến trở nên thơm ngon gấp bội. Người Tiên Yên làm thịt cà sáy, chế biến món nước chấm chuyên dùng của nó hết chỗ chê. Một thứ nước chấm có vị thơm của nước mắm Cái Rồng, Vạn Yên, Cát Hải, lại có vị ngọt ngào nồng ngậy của xá xị Quảng Tây cùng với vị cay dịu của gừng Tiên Yên trồng trên đất quê nhà.

12. Ốc Móng Tay
“Móng tay” là một loại ốc chỉ có ở những vùng biển, cái tên của loài ốc này cũng bắt nguồn từ chính hình dáng của nó. Người ta bắt ốc móng tay dựa vào sự lên xuống của thủy triều. Loài nhuyễn thể này thường sống trong cát bùn ở các cửa biển, chủ yếu ăn phiêu sinh vật.


Khi thuỷ triều lên, nó trồi ra khỏi hốc và nhanh chóng lủi sâu xuống cát mỗi khi có động nhờ vào cái chân thật mạnh.
Ốc móng tay xào tía tô ăn vừa ngon, hơn nữa, tía tô lại có tác dụng giải cảm, chữa bệnh đau đầu. Ốc móng tay hấp bia cũng là món đơn giản được nhiều người ưa chuộng. Ốc móng tay hấp bia được ăn kèm với muối tiêu chanh và rau răm – loại rau gia vị rất hợp ăn kèm cùng loài ốc móng tay.


13. Tu Hài: Là đặc sản nổi tiếng của huyện đảo Vân Đồn, có nơi còn gọi là ốc vòi voi. Tu hài có thể hấp, làm gỏi, nấu cháo, nướng, nấu súp đều rất ngon.Tu Hài
14. Các món ốc
Đến Hạ Long mà chưa thưởng thức ốc ở Bãi Cháy và Cao Xanh thì bạn vẫn chưa cảm nhận được đầy đủ hương vị của thành phố biển này…
Địa điểm ăn ốc ngon nổi tiếng ở Hạ Long phải kể đến khu vực Cao Xanh và gần chợ Bãi Cháy. Từng cửa hàng san sát nối đuôi nhau mà không khi nào vắng khách. Xe cộ xếp nghìn nghịt cho thấy sự hấp dẫn của món ăn đặc trưng miền biển này.
Đi trên đường Bãi Cháy, nhìn tấm biển “Siêu thị ốc Hạ Long” như có ma lực khiến bạn không thể không bước chân vào.


15. Con ghẹ:  Món ghẹ không phải là khoái khẩu nhất của Hạ Long nhưng không thể không có trong thực đơn của các món hải sản hôm nay

16. Mực tươi nướng và mực khô
Một đĩa mực tươi nướng ớt cay thơm lừng chấm với chanh muối hay mực khô chấm tương ớt đều khiến bạn không thể không xuýt xoa trước món ngon mà biển cả đem lại


Monday, September 22, 2014

Vẻ đẹp đặc trưng vùng núi phía bắc

Vùng núi phía bắc là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch nhất Việt Nam, nơi có mùa lúa chín vàng, mùa hoa sặc sỡ, mùa che xanh ngát, rừng núi hung vĩ bao phủ mây trời với vẻ đẹp thanh bình và quyến rũ.


Điểm đến du lịch Sapa mùa lúa chín vàng, núi xanh, mây trắng lúa vàng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp quen thuộc của mảnh đất Sapa. Đây là điểm đến hấp dẫn khó thể bỏ qua trong hành trình khám phá Tây Bắc.


Khám phá hoàng hôn trên đỉnh núi Nà Lay, nhất là sau những cơn mưa bất chợt, cả thung lũng Bắc Sơn như bừng tỉnh đón chào một hoàng hôn rực rỡ.



Điểm du lịch Hà Giang cũng không kém phần bình yên rực rỡ với những thị trấn trên mảnh đất Hà Giang, cách huyện Đồng Văn hơn 20km, cảm nhận khoảnh khắc di chuyển thú vị trên con đường uốn lượn quanh co.


Chiêm ngưỡng mùa lúa vàng trên vùng cao Mù Cang Chải, khắp đồi núi nhuộm màu vàng tươi sáng rực rỡ  ruộng thấp cao, hòa trộn với ánh nắng tạo khung cảnh tuyệt đẹp.


                                                                                                                              

Monday, September 15, 2014

Những điểm du lịch tâm linh trong nước thu hút khách hành hương nhất

Du lịch tâm linh ngày một phát triển như một ngành kinh tế quan trọng ở Việt Nam. Với mong muốn những điều tốt lành. Sau đây là 10 điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất trong nước theo hành trình từ Bắc vào Nam mọi người tham khảo nhé!

1. Chùa Một Cột hay còn gọi là chùa Diên Hựu, tọa lạc tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chùa Một Cột đã được Tổ chức châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” vào năm 2012. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, lịch sử chùa Một Cột lại có rất nhiều điều bất ngờ thú vị.

2. Danh thắng Hương Sơn Tọa lạc trên một vùng rừng núi rộng lớn ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội)

Khu Di tích danh thắng Hương Sơn - Chùa Hương cách trung tâm thành phố Hà Nội 70km.
Phong cảnh Hương Sơn đẹp tuyệt vời với núi cao, rừng thẳm và sông suối trong xanh. Bên cạnh đó là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, hài hòa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động chẳng nơi nào có được.


Khu di dích danh thắng Hương Sơn trải dài trên 3 tuyến: Hương Tích là tuyến chính đi qua nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: chùa Thiên Trù, chùa động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng và sau cùng là chùa động Hương Tích. Tuyến 2 là Tuyết Sơn: tuyến này có núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng… chùa Bảo Đài, chùa động Tuyết Sơn… Tuyến thứ 3 là Long Vân: đi thăm đền Trình, chùa Long Vân, động Long Vân, chùa Cây Khế… và đặc biệt tham quan hang Sũng Sàm, một di chỉ khảo cổ quý chưa được khai quật.
Điểm đến chính của khách hành hương là chùa Thiên Trù và động Hương Tích, vì nơi này là hai điểm tâm linh sáng chói và cũng là hai thắng tích độc đáo, tuyệt vời nhất của tổng thể danh lam thắng cảnh chùa Hương.

3. Danh thắng – Danh lam Yên Tử (Quảng Ninh)

Yên Tử - Quảng Ninh trước hết là một danh sơn độc đáo của Việt Nam gắn liền với tên tuổi của các vị hoàng đế anh hùng và các thiền sư ngộ đạo.
Với mây trắng quanh năm thường ôm lấy đỉnh núi nên nhìn xa xa Yên Tử trông như một kỳ quan đang bềnh bồng giữa hư và thực…


Cảnh trí thiên nhiên toàn vùng Yên Tử sơn đẹp tuyệt vời với những chùa, am, tháp cổ nằm trong phạm vi gần 2.700 ha rừng. Huệ Quang Kim tháp hay Tháp Tổ có bệ tạc đài sen 102 cánh, chạm nổi trang trí dây hoa, bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông ngồi thiền ở thế liên hoa, vẻ mặt thanh cao, trí huệ, cảm thông và dung dị. Cả pho tượng thờ cùng Lăng Tháp được xây dựng một năm sau ngày vua Trần nhập niết bàn, tức vào năm 1309. Đây là ngôi tháp lớn và đẹp nhất trong số 97 tháp của Vườn tháp Yên Tử...

Điểm đến chính của khách hành hương là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử. Đây là ngôi chùa bằng đồng lớn và độc đáo nhất Châu Á (đã được xác lập lỷ lục Châu Á năm 2012), có chiều dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng 70 tấn. Trong chùa, tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu ni ngự trên đài sen và 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

4. Khu Văn hóa tâm linh chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính nằm trên địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình rộng 700 ha, bao gồm 21 hạng mục, với hai ngôi chùa nổi tiếng: Bái Đính cổ tự và Bái Đính tân tự.
Bái Đính cổ tự: Trong khung cảnh rêu phong, kỳ bí, Bái Đính cổ tự nằm giữa một vùng núi khá yên tĩnh, gồm động sáng thờ Phật, động tối thờ Mẫu, đền thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và đền thờ Thánh Cao Sơn. Tương truyền, trong khi đi tìm cây thuốc quý để chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông (Dương Hoán), Nguyễn Minh Không đã tình cờ phát hiện ra hang động ở khu Bái Đính này. Sau khi chữa khỏi bệnh cho vua, ông đã xin về đây lập chùa, tu hành.


Bái Đính tân tự: Bái Đính tân tự là công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất Việt Nam, được xây dựng từ năm 2004 và đang tiếp tục được mở rộng, hoàn thiện thêm nhiều công trình khác. Kiến trúc chùa ấn tượng với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông, thân thuộc với hình ảnh đình chùa Việt Nam. Đây cũng là ngôi chùa hiện đang sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam và châu Á: "Chùa có bộ Tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Ngôi chùa có Giếng nước lớn nhất Việt Nam, Chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Châu Á (đã được xác lập kỷ lục năm 2012), Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, Chùa có hành lang La hán lớn nhất Việt Nam, Chùa có nhiều cây Bồ đề nhất Việt Nam.”

Bái Đính tân tự được xây dựng theo mô hình Trục trần đạo xuyên suốt từ đỉnh tòa Tam thế đến cổng Tam quan, nhìn thẳng về đỉnh núi Mã Yên - nơi yên nghỉ của vua Đinh. Phía trước khu vực chùa là sông Hoàng Long. Bao bọc phía sau là dãy núi đá vôi hình vòng cung. Với thế đất tiền thủy hậu sơn cùng sự bề thế của công trình. Nơi đây, trong tương lai sẽ trở thành một Trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Việt Nam và của Khu vực.

5. Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê

Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, cách thành phố Huế 5km về phía Tây. Đây là một ngôi chùa được xây dựng sớm nhất và nổi tiếng nhất ở Thừa Thiên – Huế.
Chùa được xây năm 1601, bắt nguồn từ truyền thuyết về chúa Nguyễn Hoàng trong lúc tuần thú ngắm cảnh thiên nhiên, khi ngang qua đồi Hà Khê thấy cảnh sắc nơi đây đẹp lạ thường bèn hỏi thăm dân chúng quanh vùng... Dân chúng cho biết, đêm đêm ở ngọn đồi này thường có một bà Tiên mặc áo đỏ, quần lục hiện về báo mộng: rồi đây sẽ có một vị minh chúa dựng trên ngọn đồi này một ngôi chùa lấp bằng nơi bị Cao Biền đào bới để bảo toàn sự thiêng liêng, giúp cho dân chúng làm ăn thịnh vượng và đất nước thanh bình, thịnh trị. Nguyễn Hoàng nghe vậy bèn cho dựng chùa đặt tên là Thiên Mụ (Bà tiên trên trời).


Kiến trúc của chùa Thiên Mụ cũng giống như kiến trúc của nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, nhưng đặc biệt chùa Thiên Mụ có ngôi tháp Phước Duyên cao 21m, có 7 tầng. Tháp hình khối bát giác, mỗi tầng có một cửa cuốn đặt tượng Phật, tầng trên cùng đặt 3 pho tượng Phật được đúc bằng vàng ròng (ngày nay tượng bằng vàng đã bị mất, thay vào đó là ba pho tượng khác). Chùa Thiên Mụ còn có Đại Hồng Chung cao 2,5m, đường kính 1,4m và nặng trên 3 tấn và Bia đá được dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1715) cao 2,6m; rộng 1,2m đặt trên lưng con rùa lớn bằng cẩm thạch.

6. Danh thắng – Danh lam Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)

Ngũ Hành Sơn hay còn gọi là Non Nước nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam, sát bên bờ biển Đông. Xưa kia, Ngũ Hành Sơn có nhiều tên gọi khác nhau nhưng đến đầu thế kỷ thứ 19 thì tên gọi Ngũ Hành Sơn được giữ cho tới ngày nay.
Ngũ Hành Sơn là quần thể 5 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Trong đó, Thủy Sơn là ngọn đẹp nhất. Danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động đẹp kỳ ảo. Đây cũng là địa điểm có rất nhiều chùa, trong đó có 2 ngôi chùa nổi tiếng được sắc phong Quốc tự thời nhà Nguyễn là chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng.


Đến với hang động Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ bắt gặp nhiều bia đá cổ cách đây hàng trăm năm như: bia "Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” được khắc năm Canh Thìn (1640); bia "Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật diệt lạc” khắc năm Tân Tỵ (1641)… Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật có giá trị lịch sử đang được bảo tồn tại đây.

7. Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng)

Một trong ba Thiền viện Trúc Lâm nổi tiếng nhất ở Việt Nam là Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Thiền viện tọa lạc trên núi Phụng Hoàng, thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt. Thiền viện Đà Lạt được xây dựng năm 1993 và đến năm 1994 thì hoàn thành. Khuôn viên thiền viện rộng 25ha, trong đó 2ha là diện tích xây dựng thiền viện, được chia làm 4 khu: Khu vực ngoại viên; Khu tịnh thất Hòa thượng; Khu hòa thượng viện trưởng; Khu nội viên Tăng và khu nội viên Ni.


Đứng trong khuôn viên Thiền viện, khách hành hương nhìn ra ngoài sẽ thấy hồ Tuyền Lâm và rừng thông bạt ngàn đong đưa trước gió đẹp vô cùng.

8. Tượng Chúa Jêsus Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Tượng Chúa Jêsus trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu là tượng Chúa Jêsus lớn nhất châu Á đã được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục năm 2012. Tượng Chúa được xây dựng từ năm 1972 nhưng sau đó bị bỏ dở một thời gian khá lâu, mãi đến năm 1992 công trình mới được tiếp tục xây dựng và hoàn tất vào năm 1994.


Tượng cao 32m, bệ tượng cao 10m, cả tượng và bệ cao 42m (so với mặt đất). Tư thế tượng Chúa đứng dang hai tay (rộng 18,4m), gương mặt hiền từ, thanh thoát hướng nhìn ra biển khơi mênh mông sóng vỗ. Bên trong thân tượng có cầu thang xoắn ốc đi từ dưới chân lên cổ tượng với 133 bậc. Hai bên vai tượng được thiết kế chỗ đứng cho 5 – 6 người để ngắm nhìn cảnh đẹp của biển khơi lồng lộng gió. Tượng Chúa là nơi mà du khách không phân biệt tôn giáo thường đến tham quan, ngắm cảnh mỗi khi có dịp đến Vũng Tàu. Đây là Tượng Chúa Jêsuslớn nhất Châu Á (đã được xác lập kỷ lục Châu Á năm 2012)

9. Tòa Thánh Cao Đài (Tây Ninh)

Thánh thất Cao Đài tọa lạc cách thị xã Tây Ninh 5km về hướng đông. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả du khách các nước trên thế giới khi có dịp đến đây cũng đều ngợi khen. Tòa Thánh được thiết kế, xây dựng năm 1936 trên một khuôn viên rộng 1km2, có tường rào bao bọc. Bên trong khu Thánh thất có nhiều điện thờ, nhà làm việc, nhà ở, công viên, vườn hoa...
Một trong những kiến trúc nổi bật nhất của Thánh thất Cao Đài là công trình kiến trúc như nhà thờ đạo Công giáo, dài 100m, có hai tháp cao. Hình Thiên Nhãn ( Một con mắt tỏa hào quang) là biểu tượng của đạo Cao Đài được đặt phía trên cao của ngôi nhà. Người ta thấy ở đây có sự hài hòa tuyệt đối giữa mỹ thuật phương Tây và kiến trúc nghệ thuật phương Đông từ trong ra ngoài tòa Thánh. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều kiến trúc đẹp, hoành tráng khác như: cổng Chánh môn, đền thờ Phật Mẫu, các tháp mộ… Và đặc biệt là Bá huê viên, vườn hoa, cây cảnh với nhiều loài hoa lạ, đẹp tỏa hương thơm dịu dàng.
Hàng năm cứ đến ngày mùng 9 tháng giêng (âm lịch) và ngày rằm tháng 8 (âm lịch), là hai ngày vía Đức Chí Tôn và vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Vào những ngày này, hàng vạn khách hành hương khắp nơi trong nước về dự lễ hội và thưởng ngoạn cảnh quan của Thánh thất nơi đây.

10. Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc – An Giang)

Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thế kỷ thứ 19 ở ấp Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lịch sử của ngôi miếu thiêng này có hai thuyết. Truyền thuyết thứ nhất là do dân chúng nơi đây tin vào sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ nên đồng tâm lập miếu để thờ cúng. Truyền thuyết thứ hai, miếu này do Thoại Ngọc Hầu đứng ra xây dựng theo lời trăng trối của vợ là bà Châu Thị Tế.


Thời xưa, miếu được dựng bằng tre lá. Đến năm 1870, miếu được xây bằng gạch, lợp ngói. Qua thập niên 70 của thế kỷ 20, miếu được tôn tạo đồ sộ gấp bội phần bằng kiến trúc đình, miếu cổ phương Đông. Mái ngói nhiều tầng, màu xanh cong vút đầu đao. Bao bọc xung quanh là các dãy hành lang. Bên trong miếu thờ tượng Bà Chúa tạc bằng đá xanh có giá trị nghệ thuật cao. Pho tượng này có hình dáng nữ thần Visnu, tương tuyền đã có từ rất lâu, vào khoảng thế kỷ thứ 6. Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ diễn ra vào cuối tháng tư (âm lịch) thu hút hàng vạn khách hành hương từ khắp mọi nơi.

Wednesday, September 10, 2014

Chiêm ngưỡng 5 cù lao biển đẹp nhất Việt Nam

Cù Lao Chàm, Cù Lao Câu, Cù Lao Thu, Cù Lao Ré, Cù Lao Xanh được cho là những Cù Lao biển đẹp nhất Việt Nam

Cù Lao Chàm - Quảng Nam

vẻ đẹp cù lao chàm

Cù Lao Chàm là một địa danh du lịch nổi tiếng tại khu vực miền Trung, cách bờ biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) khoảng 15 km, Cù Lao Chàm là một cụm đảo bao gồm 8 đảo được đặt tên hết sức dân dã: Hòn Lao (pearl), Hòn Dài (long), Hòn Mồ (tomb), Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con (dry), Hòn Lá (leaf), Hòn Tai (ear), Hòn Ông với khoảng 3.000 người đang sinh sống (ước tính vào năm 2012). Cù Lao Chàm chiếm được cảm tình của nhiều du khách khi nhắc đến du lịch biển bởi Cù Lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, vẻ đẹp hoang sơ yên bình như "một thiên đường biển", hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Chỉ mất 15 phút lênh đênh trên cano từ biển Cửa Đại, bạn sẽ được chiêm ngưỡng Cù Lao Chàm hiện ra xanh mát tầm mắt.

Các rạn san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ, hệ thống san hô ở đây cũng là nguồn cảm hứng thu hút nhiều khách du lịch về đây với các tour du lịch lặng biển ngắm san hô.

Điều tuyệt vời nhất khi đến đây là được xách ống thở và đi lặn khám phá đại dương xanh. Bạn cũng đừng bỏ lỡ cơ hội đi xe đạp trên những con đường uốn lượn qua những cồn cát và những làng chài ven biển. Khám phá rừng sâu cùng trải nghiệm picnic giữa muôn vàn cây xanh sẽ mang đến bạn những phút giây chẳng thể nào quên.

Cù Lao Câu - Bình Thuận

Cù Lao Câu

Cù Lao Câu (tên khác là Hòn Cau) là một hòn đảo nhỏ chỉ cách bờ biển xã Vĩnh Tân, H. Tuy Phong (Bình Thuận) khoảng 9 km. Với độ dài chừng 1.500m, chỗ rộng nhất gần 700m và có độ cao so với mặt biển chừng 8m. Nhìn từ đất liền, Cù Lao Câu sừng sững như một "vương quốc đá" với những hình khối kỳ lạ, thu hút du khách bởi màu nước trong vắt, nhìn tận xuống đáy. Chính vì vậy, đây cũng được coi là một thiên đường lặn biển. Bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn những thảm thực vật, san hô tự nhiên, đa dạng và vô cùng đẹp mắt, hay thử tài bắt cá, tôm trên những rạn đá nhiều màu.

Buổi tối, bạn có thể cùng nhóm bạn tổ chức tiệc BBQ trên bờ biển, đốt lửa trại và chơi các trò chơi team building. Đôi khi chỉ cần nằm nghe sóng vỗ rì rào, gió thổi táp vào mặt vị mặn mòi của biển, cũng đủ làm rung động "trái tim lang thang" của những con người yêu xê dịch.

Cù Lao Thu đẹp như một kỳ quan – Bình Thuận


Cù lao Thu có nhiều tên gọi khác là cù lao Khoai Xứ, đảo Thuận Tịnh hay đảo Phú Quý. Người Pháp gọi là đảo Pulo Cecir de Mer. Cho dù tên gọi là gì thì đây vẫn là điểm du lịch cù lao biển hấp dẫn ở Bình Thuận. Xứ mà dân gian quen gọi của đảo Phú Quý. Từ đất liền ra đảo phải đi tàu mất 5-7h nhưng du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của bạt ngàn xanh cây trái. Không chỉ thế, Cù Lao Thu còn chiếm được cảm tình của khách du lịch bằng phong vị ẩm thực đặc trưng miền biển và hơn hết là sự thân thiện của người dân nơi đây.

Nếu ngày đầu bạn đã vi vu xe máy một vòng quanh đảo thì hôm sau hãy mạo hiểm với cano ra những đảo hiếm người kế bên, tự bắt ốc, mò cua, tắm tiên, hưởng thụ cảm giác ung dung tự tại trên cù lao bình yên này. Điểm lý tưởng để ngắm nhìn cả khung cảnh Cù Lao Thu là núi Cao Các, cao hơn 70m. Trên núi còn có chùa Linh Sơn nổi tiếng.

Khám phá vẻ đẹp hoang sơ Cù Lao Ré – Quảng Ngãi

Cù Lao Ré nghe lạ lẫm, nhưng thật ra lại là đảo Lớn – một cái tên quen thuộc thuộc huyện đảo Lý Sơn. Mặc dù diện tích khá khiêm tốn nhưng dân số nơi đây lên tới hơn 20.000 người. Người dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, trồng hành, tỏi. Cù Lao Ré có làn nước trong vắt, màu xanh ngọc rất đặc biệt. Điểm độc đáo nhất khi đến thăm cù lao Ré, đó là hành trình ngắm bình minh trên đỉnh Thới Lới – ngọn núi cao nhất trong 5 đỉnh núi ở Lý Sơn.

Chuyến đi sẽ thích hợp hơn với các phượt tử vì phải chạy xe máy từ 4h sáng trên những con dốc đứng lớn, khúc khuỷu, một bên vách núi thấp, bên kia là thung lũng, vô cùng nguy hiểm. Nhưng đến khi lên đến đỉnh, mọi nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp vì cảnh tượng đẹp mê hồn của Cù Lao Ré thu vào tầm mắt trong không gian bao la, xa xa có thể nhìn thấy Cù Lao Bé và hòn Mù Cu thấp thó, trông xuống dưới, những ruộng tỏi sắc màu với nhiều tầng bậc trông như những ruộng bậc thang Tây Bắc.

Cù Lao Xanh - Bình Định


Là một hải đảo thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Cù Lao Xanh quyến rũ như một hòn ngọc trên biển. Ở đây đặc biệt thưa người, trên đảo chủ yếu là người già và trẻ em. Vì thế, khi đến đây, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm cảm giác xa lạ nhưng hấp dẫn của một “đảo vắng”. Khi hoàng hôn buông dần, đứng từ trên cầu cảng nhìn xuống là những chiếc thuyền con dập dềnh trên sóng biển, ngắm nhìn cuộc sống của những người dân làng chài dung dị, bình yên phía bờ nam của đảo. Bạn sẽ được khám phá nét hoang sơ với những hòn đá đủ hình thù, với sự hùng vĩ và bao la của trời biển, của núi non nơi phía Bắc của đảo. Nước ở Cù Lao Xanh đúng như tên gọi của nó, xanh trong tận đáy. Biển êm, nước sạch, cát trắng, sẽ là điểm lý tưởng cho không chỉ tắm mà còn lặn ở bất cứ cung biển nào thuộc nơi này.

Nếu đi theo nhóm, bạn có thể tổ chức đốt lửa trại, mở tiệc hải sản nướng trên bãi biển với ốc vú nàng, cá thu, cá suốt và đặc sản "mực nháy", tên gọi để chỉ những con mực được ngư dân bắt lên còn nguyên độ tươi. Cù Lao Xanh hiện còn khá mới lạ, vì thế hãy là những phượt tử tiên phong khám phá vẻ đẹp huyền bí của hòn ngọc xanh nơi đây.

Các bạn có nhu cầu đặt tour vui lòng truy cập http://www.nhigia.vn/dich-vu/tour-du-lich.aspx

Popular Posts